Du lịch di tích lịch sử - Văn hóa Nam bộ

Việc đưa các di tích-lịch sử vào khai thác du lịch chắc chắn góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sức bật mới cho ngành du lịch toàn vùng (sản phẩm du lịch không còn đơn điệu chỉ với chèo thuyền, vào vườn trái cây...như trước đây). Thế nhưng, khai thác du lịch văn hóa-di tích là công việc không phải dễ, và muốn thương hiệu này gắn với vùng Nam bộ, đòi hỏi ngành du lịch toàn vùng phải biết cách tạo ra môi trường du lịch văn hóa- di tích lịch sử hấp dẫn. 

Hoàn chỉnh các dịch vụ du lịch tại các điểm đến

Chỉ tính riêng hệ thống di tích ở nơi đây, có thể thống kê với con số lên tới hàng ngàn. Trong đó có hàng trăm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia gồm đủ các loại hình: lịch sử-văn hóa, kiến trúc-nghệ thuật, danh thắng, lưu niệm, danh nhân, lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, trong vùng còn có một hệ thống các Bảo tàng, Bộ sưu tập-Trưng bày có giá trị và hàng trăm lễ hội của mỗi địa phương. Các di tích, bảo tàng, lễ hội ấy đều là những điểm đến quan trọng trong hệ thống các tuyến, điểm du lịch văn hóa thú vị của vùng. Thế nhưng, loại hình du lịch này trong thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng của vùng.

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ) nhận định, hiện nay chỉ một số di tích, lễ hội như: di tích Xẻo Quýt - Đồng Tháp, Nhà tù Phú Quốc-Kiên Giang, cụm khu di tích Núi Sam (An Giang), Lễ hội Nghing ông Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)... được ngành du lịch chú ý đầu tư phát triển như tổ chức một số dịch vụ vui chơi giải trí, thu hút du khách. Các di tích còn lại thường hoạt động mang tính đơn lẻ trong thời điểm diễn ra lễ hội mà thôi. Hơn nữa, khách du lịch chỉ có thể đến và tham quan nhiều địa điểm di tích trong ngày vì hầu hết các khu di tích lịch sử, nơi diễn ra các lễ hội chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất (nhà hàng, khách sạn...) để giữ chân du khách.

An Giang là tỉnh chiếm tới 35% tổng lượng khách du lịch tới miền Tây, nhưng trong số đó có tới 60% là khách hành hương (thời gian lưu trú khá ngắn). Ngành du lịch tỉnh chưa thể biến số khách này thành khách du lịch. Ngoài ra, các di tích cách mạng trong vùng dù số lượng rất lớn nhưng vẫn chưa phát huy thật tốt tiềm năng. Nguyên nhân có thể kể đến là ngành du lịch các tỉnh chưa khéo léo liên kết các sự kiện lịch sử “người thật, việc thật” với đất nước-con người tại chỗ (trước kia và hiện tại) cùng với các giá trị lịch sử-văn hóa khác để tạo thành những sản phẩm du lịch tốt. Trong khi đó, du khách ngày càng có nhu cầu được tham gia “sống” với sản phẩm, thay vì chỉ đứng tham quan như trước kia.

“Do vậy, vấn đề đặt ra cho việc khai thác các di sản văn hóa trên vùng đất này không phải là xây dựng các “bảo tàng” mà phải tạo ra ngay tại các di tích, lễ hội môi trường du lịch, tạo điều kiện cho du khách hội nhập thật sự vào môi trường đấy một cách trọn vẹn nhất. Chẳng hạn, di tích-lễ hội Lăng Lê Văn Duyệt (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) muốn trở thành điểm đến du lịch thì điều cốt lõi là lai lịch, nguồn gốc giá trị lịch sử văn hóa trong đối tượng cử hành lễ, trong các nghi thức lễ hội... phải được làm rõ và tôn tạo nhân lên, làm đẹp hơn bằng hình thức sân khấu hóa. Chưa hết, điểm đến này còn cần phải tính đến các điều kiện phục vụ không thể thiếu như bãi đậu xe, vấn đề an ninh, an toàn kết hợp tổ chức các chương trình nghệ thuật Hát bội, Cải lương...”-Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết.

Liên kết trong khai thác sản phẩm du lịch

Du lịch tâm linh hướng về các di tích lịch sử, lễ hội đang dần chiếm ưu thế so với các loại hình du lịch khác. Loại hình du lịch này cũng đã bắt đầu thu hút nhiều công ty lữ hành, cá nhân, tổ chức tham gia khai thác. Tuy nhiên, do chưa được quản lý tốt và thiếu liên kết với nhau giữa các đơn vị du lịch nên hiệu quả khai thác loại hình du lịch này chưa cao.

Ông Nguyễn Hùng Cường nhận xét, đã xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, mạnh ai nấy làm tại một số di tích. Điển hình là khu căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp nằm trong khuôn viên khu du lịch Xẻo Quýt (Đồng Tháp) có hai nhóm dịch vụ, một của Bảo tàng tỉnh và một của Công ty cổ phần du lịch tỉnh Đồng Tháp. Cả hai bên đã thiếu sự hợp tác với nhau để tìm ra sự thống nhất về giá cả, phân chia khu vực phục vụ, dẫn đến việc lôi kéo khách... Hơn nữa, các công ty du lịch cũng chưa biết kết hợp giữa các loại hình du lịch trong một tuyến du lịch (kết hợp với du lịch sinh thái, biển đảo...), cũng như chưa có những tour du lịch văn hóa theo chuyên đề liên tỉnh (về kiến trúc, lễ hội, các di tích thắng cảnh, di tích lịch sử) trong khi số lượng di tích lịch sử-văn hóa của vùng hoàn toàn đáp ứng được sản phẩm tour du lịch này. Ngoài lễ hội Bà Chúa Xứ, Núi sam-Châu Đốc (An Giang) tồn tại lâu dài, thu hút số lượng lớn du khách mang tính nổi trội. Thiết nghĩ, các tỉnh Tây Nam bộ cũng cần xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh phù hợp. Có thể tham quan di tích Óc Eo, kết hợp với sưu tầm văn hóa dân gian, tham quan các làng nghề ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang; chùa cổ Khmer Trà Vinh, Sóc Trăng; Bảo tàng văn hóa Khmer Nam bộ và các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng khác...

“Để thu hút du khách, ngành du lịch vùng cần tạo ra nhiều hơn nữa các mô hình du lịch văn hóa-du lịch đến với các giá trị văn hóa, di tích và chất lượng cao hơn. Và muốn thực hiện được điều này đòi hỏi ngành du lịch mỗi tỉnh cũng như các đơn vị lữ hành cần hợp tác, liên kết với nhau một cách chặt chẽ theo một quy hoạch du lịch chung của toàn vùng. Có như vậy việc phát triển loại hình du lịch này mới lâu dài và bền vững”-Thạc sĩ Nguyễn Hùng Khu, Trưởng phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp, Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Thương hiệu chung cho du lịch gắn với di tích-văn hóa toàn vùng và cho từng địa phương vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nếu các địa phương liên kết, hợp tác thực sự, nơi đây sẽ không thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đậm giá trị văn hóa trên quy mô cụm, vùng và liên vùng.