Tiệc Cá Trên Biển Tây

 

“Tiểu Hạ Long“ của phương Nam

Tàu rời cửa Ba Hòn, phăm phăm gối đầu lên sóng hướng về biển Tây. Vịnh biển mênh mông, bát ngát màu xanh lơ với muôn trùng sóng đuổi nhau tung bọt trắng xóa. Bên trái là dải đất Bình An - nơi có hòn Phụ Tử nổi tiếng - núi non chập chùng và nhiều đảo lớn nhỏ cận biển. Có đảo trông giống những lâu đài đá sừng sững, có hòn như con rùa đá khổng lồ nổi trên mặt nước, có dãy núi giống như con voi đang vục vòi uống nước, có những đảo cây cối phủ kín, thấp thoáng vài ngôi nhà dưới bóng dừa xanh lả ngọn.

Tiệc cá trên biển Tây, Du lịch,

Một góc vùng biển hòn Nghệ tàu thuyền san sát - Ảnh: Đặng Hoàng Thám

Quần đảo Bà Lụa còn có tên là quần đảo Bình Trị (huyện Kiên Lương), gồm khoảng 45 đảo lớn nhỏ, được ví như “tiểu Hạ Long” của phương Nam. Biển xung quanh quần đảo Bà Lụa nông, khi nước ròng có thể đi bộ từ đảo này sang đảo khác, nước ngập không quá lưng người lớn.

Sau khi hải hành, ngao du trên biển, chúng tôi “đổ bộ” lên những đảo đẹp còn hoang sơ như hòn Nhum, hòn Rùa, hòn Rể Lớn, hòn Rể Nhỏ… để tắm biển, thưởng lãm cảnh đẹp. Lúc mặt trời xế bóng trên biển Tây, chúng tôi ghé lại những bè cá thưởng thức hải sản tươi sống đủ loại và nghe kể chuyện về biển. Các chủ bè thường rất hiếu khách, sẵn sàng “chơi tới bến” sau khi đã thân quen với khách. Ngoài những gì bán, họ rất vui vẻ và hào phóng bắt vài con cá thật ngon để đãi khách. Sống giữa biển khơi hoang vắng, chủ bè nào cũng phấn khởi khi có khách đến thăm hỏi, giao lưu…

Hôm đó, đi cùng chúng tôi là thiếu tá Lê Đồng Khởi, trưởng trạm biên phòng 734 (xã Hòn Nghệ), cũng là “thổ hải” vùng biển này. Nắm rõ địa bàn, anh cho biết: “Khu vực biển Bà Lụa có đến 142 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Có một số công ty đầu tư nuôi cá mú xuất khẩu, mấy năm nay làm ăn khá phát đạt. Ngư dân địa phương làm theo cũng kiếm ăn được”!

Anh Vũ Ngọc Dẽo, chủ một bè nuôi cá mú cá thể ở Bãi Nam (Hòn Nghệ), vui vẻ tiết lộ: năm 2010 anh đầu tư 50 triệu đồng nuôi cá mú, sau tám tháng thu hoạch gần 200 triệu. Thức ăn cho cá mú là cá tạp mua với giá chừng 3.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán cá mú hùm là 320.000 đồng/kg, cá mú sao 550.000 đồng/kg, cá mú chuột (còn gọi là cá mú heo) 820.000 đồng/kg. Tàu, ghe thương lái cân hàng tại chỗ.

“Lai rai” trên bè

Khách mua cá rồi cùng chủ bè nướng tại chỗ. Cái nắp xoong úp ngược làm vỉ nướng trên bếp gas mini. Cá vớt lên còn giãy đành đạch, tươi xanh, toàn các loài có giá trị cao, thịt thơm ngon như cá mú, cá bớp, cá chuộn, cá hường, cá kình, cá đỏ, cá mai, cá ngân...

Chỉ vài phút trên vỉ nướng, cá đã dậy mùi thơm lừng! Vẽ một miếng cá mú hoặc cá kình đốm trắng phau, chấm với muối tiêu chanh hay muối ớt đâm dập, kẹp vài cọng húng lủi, khế, chuối chát rồi đưa vào miệng... Chao ơi là ngon ngọt! “Dzô” một hớp rượu đế ngâm với thuốc núi của “Hòn” - cảm giác lâng lâng, bay bổng! Ăn cá biển đông lạnh dài ngày, giờ mới cảm nhận được cá tươi sống nướng ngon cỡ nào - vị ngọt, thơm, bùi thấm tận chân răng.

Tiệc cá trên biển Tây, Du lịch,

Tiệc cá trên biển Tây, Du lịch,

Tiệc cá trên biển Tây, Du lịch,

Thỉnh thoảng bè cá lại nhẹ chao, bềnh bồng trong ngọn gió mát lành của biển khơi. Khách thả hồn, ngẩn ngơ thưởng thức cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp khi mặt trời tỏa ánh sáng cam nhạt, từ từ lặn xuống biển nước mênh mông.

Nếu hạ trại nghỉ qua đêm trên hòn Nhum hoặc một đảo nào đó, bạn có thể “cải thiện”, “mưu sinh” bằng cách đi cạy hàu, mò bắt ốc cờ, ốc vá ở những ghềnh đá. Hoặc có thể mua cá, tôm, cua, ốc... của người dân trên đảo luôn sẵn có. Bữa ăn chiều trên đảo bên bếp than hồng, nghe sóng biển vỗ ầm ì, tung bọt trắng xóa vào những ghềnh đá, khách ngỡ mình như là Robinson sống giữa biển cả hoang vu và lãng mạn!